• KRICO
    Automotive & Motorcycle parts
    Improvement - Innovation - Creativity

Vĩnh Phúc “chạy đua” trở thành trung tâm sản xuất ô tô, xe máy lớn nhất nước

Theo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu trở thành một trong những trung tâm sản xuất ô tô, xe máy lớn nhất Việt Nam vào năm 2030.

 

Theo Quyết định 158/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch này vào đầu tháng 2, để đạt được mục tiêu này, nhiệm vụ trọng tâm của Vĩnh Phúc là phát huy thế mạnh của tỉnh trong phát triển công nghiệp công nghệ cao với trọng tâm là phát triển công nghiệp cơ khí và sản xuất ô tô, xe máy và linh kiện điện tử. Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc sẽ nằm trong số những địa phương dẫn đầu về tăng trưởng GRDP bình quân đầu người; có cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại đáp ứng các tiêu chí của đô thị loại I.

 

Tầm nhìn đến năm 2050, Vĩnh Phúc là thành phố trực thuộc Trung ương, có hệ thống kết cấu hạ tầng xanh, hiện đại, phát triển toàn diện về kinh tế, xã hội và môi trường. Vĩnh Phúc sẽ công bố kế hoạch phát triển này vào ngày 5/3. Những năm qua, Vĩnh Phúc được biết đến là một trong những trung tâm công nghiệp lớn của ngành cơ khí ô tô phía Bắc. Các công ty ô tô luôn có đóng góp lớn nhất vào tổng thu ngân sách và giải quết việc làm cho hàng nghìn lao động. Theo Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), Vĩnh Phúc hiện có 16 doanh nghiệp nội địa đã tham gia vào chuỗi cung ứng của các ngành điện tử, ô tô, xe máy… của các công ty FDI tại Việt Nam với vai trò là nhà cung ứng cấp 1.

 

Kể từ năm 1995 khi Toyota đầu tư vào Vĩnh Phúc cho đến nay, nhà đầu tư đến từ Nhật Bản này luôn giữ vị trí dẫn đầu thị trường ô tô Việt Nam với sản lượng trên 70.000 xe/năm. Toyota đã nâng tỷ lệ nội địa hóa xe từ 19% đến 37%, tùy theo từng mẫu xe. Trong số 6 nhà cung cấp cấp 1 của Việt Nam trong chuỗi cung ứng cho Toyota có 3 công ty cung cấp linh kiện cơ khí và 3 công ty cung cấp linh kiện nhựa. Một số nằm ở Vĩnh Phúc, số còn lại ở các tỉnh lân cận.Còn đối với Honda, hiện nay, các linh kiện phục vụ lắp ráp ô tô của Honda hầu hết đều phải nhập khẩu (chiếm trên 90%), chỉ có một số ít các linh kiện kim loại đơn giản như chi tiết cho ghế xe; linh kiện nhựa, nội thất… là được mua tại Việt Nam (chiếm từ 1-5%). Tuy vậy, trong 3 năm qua, số lượng nhà cung cấp tham gia chuỗi cung ứng của ô tô Honda đã tăng từ 16 năm 2018 lên 26 nhà cung cấp năm 2021, nhiều nhất là các công ty cung ứng linh kiện kim loại (tăng 5 doanh nghiệp). Linh kiện nhựa, cao su, từ chỗ không có đơn vị cung cấp nào, đến 2021 đã có 3 nhà cung cấp nội địa tham gia được vào chuỗi, còn lại là linh kiện điện tử (tăng thêm 2 doanh nghiệp).

 

Đối với Daewoo Bus Việt Nam (Vidabus), doanh nghiệp này mới bắt đầu sản xuất tại Vĩnh Phúc vào năm 2007. Do đó, sản lượng xe dự kiến năm 2021 chỉ khoảng 600 xe, song đã cao hơn đáng kể so với mức 250 xe năm 2020. Với mức tăng trưởng dự kiến, Vidabus đặt mục tiêu nâng cao năng lực lên 1.600 xe vào năm 2024.

 

Mặc dù là “người đến sau” nhưng tỷ lệ nội địa hóa của Vidabus hiện đạt khoảng 30%, chủ yếu ngay tại nhà máy của Vidabus. Với sản lượng nhỏ, các doanh nghiệp cung ứng chủ yếu tập trung ở một số sản phẩm như kính xe, ắc quy, tấm trải sản, tấm ốp trần. Còn lại phần lớn các linh kiện chế tạo đều phải nhập khẩu.

 

----------------------------

Nguồn: https://cartimes.tapchicongthuong.vn/bai-viet/vinh-phuc-chay-dua-tro-thanh-trung-tam-san-xuat-o-to-xe-may-lon-nhat-nuoc-15299.htm

 


<< Bài trước: Krico tham dự Ngày hội Nhà cung cấp BMW Motorrad 2024                                                      Bài tiếp theo" ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ HÀN MA SÁT XOAY TẠI KRICO >>